NGHĨ VỀ CAN THIỆP SỚM

“Chị nên cho bé đi can thiệp sớm, để sớm bình phục hòa nhập với cộng đồng…” – “Có can thiệp sớm thì trẻ mới sớm tiến bộ , có thể thoát khỏi tự kỷ …”Đây là hai lời khuyên chân thành nhưng….chưa chính xác! Cần can thiệp sớm thì đúng rồi, nhưng để sớm bình phục hay hòa nhập cộng đồng thì chưa chắc! vì còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa . Ủa, vậy thì can thiệp sớm để làm gì ? và nếu can thiệp trễ thì có sao không ?
Trước khi nói đến chuyện can thiệp thì cần biết thế nào là sớm, là trễ ? Phải chăng can thiệp sớm là căn cứ vào cái gọi là “giai đoạn phát triển vàng” từ 0 -3 tuổi của trẻ ? còn trễ là quá giai đoạn này ? Nói đến “giai đoạn vàng” thì nhiều chuyện lắm ! Từ chuyện học ngoại ngữ cho đến việc tập nói, và tập đủ mọi thứ để phát triển “toàn diện” đều dựa vào giai đoạn này làm chuẩn ! làm như sau giai đoạn vàng thì trẻ khó có thể can thiệp hay học nói, học tiếng Anh tiếng em được, vì đã trễ rồi . Thậm chí có người còn dọa, để trẻ sau 5 tuổi mà không can thiệp là ..bó tay!
Vì thế, nhiều PH quá lo lắng nên chỉ cần vài dấu hiệu bất thường theo cái nhìn của mình , là lập tức đưa con đi khám để mong phát hiện sớm . Để rồi sau khi mang con đến bác sĩ, có khi được đánh giá là chưa có dấu hiệu gì rõ ràng, lại thoải mái ra về không cần dạy dỗ gì cả, chờ cho con lớn sẽ tự nhiên biết nói ! có khi nhận một câu “Theo dõi tự kỷ” – Thế là choáng luôn, mang con đi can thiệp khắp nơi – mặc dù đó chỉ là một vài dấu hiệu chưa thể xác định cần phải theo dõi!.
Có phụ huynh, hết sức quan tâm đến con, ngay từ 1 tuổi đã thường xuyên mang con đi khám sức khỏe tổng quát ở một BV Tư. BS chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất, mà không để ý đến vấn đề chậm nói, đặc biệt là các dấu hiệu về rối loạn giao tiếp, cho đến khi đến chuyên viên tâm lý mới phát hiện ra – Nhưng dầu sao thì cũng là phát hiện sớm vì trẻ mới trên 2 tuổi.
Như vậy, có chẩn đoán sớm hay trễ gì thì cũng phải xem xét một cách cẩn thận với những nhà chuyên môn căn cứ trên những dấu hiệu cụ thể cho từng loại rối loạn, để xác định hướng can thiệp và bắt đầu tiến hành các biện pháp can thiệp ngay tại chính gia đình của trẻ, đó mới là can thiệp sớm dù có thể trẻ đã 4, 5 tuổi . Còn nếu như sau khi đã được chẩn đoán, đánh giá mà lại cứ tiếp tục chạy vòng vòng, đi tìm trường có uy tín, giá mềm hay tìm giáo viên có tâm .. mà không bắt đầu tìm các cơ hội ngồi chơi, tác động với con…mỗi ngày, thì cho dù có trong giai đoạn vàng đi nữa trẻ cũng khó có thể tiến bộ.
Thế nhưng, can thiệp sớm thì lại không đi đôi với bình phục sớm và điều nay lại tạo ra không ít lo lắng cho phụ huynh, bởi vì cái ranh giới giữa bình phục và tiến bộ là hết sức mong manh, đôi khi lẫn lộn – Trẻ chậm nói, được can thiệp để nói đươc, có phải là bình phục ? Trẻ tăng động, kém chú ý giờ đã có thể tập trung chú ý – vậy là bình phục chưa ? Thông thường thì các đơn vị can thiệp thiếu tự trọng, hay nhắm đến mục tiêu bình phục , vì đó là điều phụ huynh mong muốn nhất. Còn nếu nói rằng, trẻ có thể tiến bộ, cải thiện về hành vi thì chỉ có gia đình nào đã từng “lên bờ xuống ruộng” vì nhiều kiểu can thiệp khác nhau mà không đạt được kết quả thì mới có thể chấp nhận việc này.
Cũng có PH đặt vấn đề là nếu can thiệp sớm thì theo hình thức nào là tốt nhất ? Mời giáo viên đến nhà, hay cho đi can thiệp theo giờ , theo buổi hay bán trú tại một trung tâm thì tốt hơn ? Rồi phương pháp nào tốt nhất cho con ? ABA, Floortime hay châm cứu bấm huyệt ? Cấy tế bào gốc thì sao ? rồi có nên uống thuốc bổ não hay không ? Điều đáng buồn là những thắc mắc như thế này lẽ ra nên trao đổi trong một buổi tư vấn, đánh giá với chuyên viên để có câu trả lời đúng, thì lại đưa lên hỏi ý kiến các phụ huynh “có kinh nghiệm” trên các nhóm xã hội , để rồi nhận được một loạt các lời “tư vấn” thập cẩm ngũ vị kể cả những quảng cáo thần thánh ! khiến người hỏi không biết đâu mà lần, có khi lại đi theo một giải pháp “ có vẻ khoa học” với những lời có cánh về khả năng bình phục , chữa lành, mà không cần biết tình trạng thực sự của trẻ là gì và ở mức độ nào!
Có một câu thành ngữ nước ngoài “It takes a village to raise a child” “ Cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ” ( là trẻ bình thường ) –bây giờ thì cũng cần cả cả làng FB để tư vấn cho một PH của trẻ ! nhiều người tỏ ra có kinh nghiệm đầy mình, quả quyết là nên theo cô A thầy B vì con mình nhờ theo các vị ấy mà tiến bộ từng ngày. Họ không nghĩ là ngay cả hai trẻ cùng có tình trạng tự kỷ như nhau, chậm nói như nhau mà có khi lại phải theo những kỹ thuật khác biệt, bởi vì mức độ nặng nhẹ khác nhau, bởi vì khả năng tiếp nhận khác nhau, môi trường sống khác nhau, gia cảnh cũng khác nhau huống chi là chỉ lấy một vài trường hợp cá biệt làm mẫu số chung và gọi đó là giải pháp tốt nhất!
Vậy rốt cuộc thì can thiệp sớm là gì ? Đầu tiên là phải có sự chẩn đoán đúng, không dựa trên độ tuổi, mà dựa trên những dấu hiệu về nhiều mặt – Dấu hiệu ở đây không chỉ là chậm nói, mà còn là những vấn đề về vận động, về tập trung chú ý và giao tiếp mắt. Có nhiều người cho biết, khi con được 1 tuổi hay sớm hơn, cháu đã có thể bập bẹ một số từ … nhưng rồi không phát triển thêm được nũa, mà chỉ là những âm vô nghĩa. Có người thì lại nói, cháu thông minh lắm, nhận biết các con số, các mặt chữ rất sớm, có thể nhắc lại lời của một bài hát theo âm điệu …. Mà không nghĩ rằng, đó cũng là dấu hiệu của tình trạng tự kỷ, và có một điều mà ít người để ý là khả năng nhìn vào người khác, ta gọi là giao tiếp mắt của trẻ hầu như không có, dù trẻ vẫn có thể nhìn bố hay mẹ vì họ nghĩ rằng đó chỉ là sự nhút nhát !
Vậy, can thiệp sớm là cho con đến học tại các trung tâm hay các trường chuyên biệt càng sớm càng tốt ? cũng không chỉ là như thế, bởi vì có khi mang con đến, được vài hôm thì lại vác con về vì con khóc la quá cỡ, không hợp tác “toàn diện” với cô ! Nếu như phụ huynh mang con đến mà vẫn cứ ôm ấp, bảo bọc, cho ăn … rồi mới giao qua cho cô như sắp phải xa con hàng ..thế kỷ . Cũng có khi mẹ đặt con vào lớp rồi lừa lừa biến mất một hơi đến chiều . Trẻ sau giây phút nghịch ngợm đồ chơi, quay lại không thấy mẹ đâu và thế là “bão nổi lên rồi”! Vì thế, cũng cần phải có một “giai đoạn chuyển giao” tùy theo tính cách và mức độ của trẻ và sự hợp tác của bố mẹ, giúp cho trẻ sớm thích nghi với môi trường lớp học.
Phụ huynh có vai trò gì trong can thiệp sớm không ? Có người nói, phụ huynh phải là người thầy quan trọng nhất của con ! Thế là mẹ xách túi đi học các phương pháp can thiệp y như một giáo viên chuyên nghiệp, để sau vài khóa tập huấn kèm theo việc đọc đủ loại tài liệu trên mạng, phụ huynh có thể “chỉ đạo” luôn cho cô phải dạy con những gì, để con mau biết nói. Giáo viên sợ nhất các phụ huynh “biết tuốt” như thế này , khổ cái là cái gì cũng biết nhưng mới biết một nửa thôi !
Trong mọi trường hợp thì phụ huynh không nên đóng vai trò giáo viên, mà là phối hợp cùng với cô trong việc can thiệp cho con, nhất là trong những vấn đề mà cô khó chu toàn được, như việc cho ăn, việc tắm rửa và các hoạt động cá nhân. Sao mấy thứ này mà cũng cần dạy nữa à ? Thực ra, chính mấy thứ này mới là điều quan trọng nhất trong hoạt động can thiệp sớm ! Giả như bé được can thiệp bán trú, cô ở lớp tập cho bé tự xúc ăn, nhưng về nhà là auto bà và mẹ tranh nhau xúc cho bé ! Vậy thì làm sao bé có thể phát triển vận động tinh và khả năng tập trung ?
Thế nhưng, hầu hết phụ huynh khi mới lò mò ngồi dạy con , thì chưa kịp cất lời trẻ đã ..chạy mất ! Lại phải vác roi ra, hay hù dọa các kiểu, trẻ mới chịu ngồi trên bàn để bắt đầu “giáo trình” , nhưng mặc kệ phụ huynh nói như nước chảy, trẻ vẫn thờ ơ không quan tâm, cho đến khi mẹ chán quá, bỏ cuộc ! Cũng có khi mẹ học được một số chiêu, đem ra dạy con rất hứng thú, trẻ có quan tâm, bập bõm vài từ … thế là ngay hôm sau là yêu cầu con phải trả lời được các câu hỏi , cái này là cái gì ? màu đỏ đâu con ? số này là số mấy ? …. Chỉ đến khi sau thời gian “lên bờ xuống ruộng” cô giáo “mẹ” mới rút ra được vài kinh nghiệm để dạy con, nhưng có khi quá nản, chỉ mong chờ một “giáo viên có tâm” để trút gánh nặng.
Sau khi đã được chẩn đoán đúng về tình trạng của con mình, thì phụ huynh sẽ cùng trao đổi với giáo viên để có thể hợp đồng tác chiến trên mọi mặt trận từ giường ngủ đến bàn học và từ phòng tắm ở nhà cho đến phòng can thiệp ở trung tâm ! Dĩ nhiên là phụ huynh thì ở nhà, còn giáo viên thì ở lớp. Ngay cả khi giáo viên có đến nhà kèm, thì cũng là hai không gian khác nhau, hai cách tiếp cận khác nhau, với những kỹ thuật khác nhau. Nhưng đều chung một mục đích, đó là sự tiến bộ về mọi mặt của trẻ.
Tiến bộ như thế nào ? Phải chăng là phải tập cho trẻ nói được, biết “bé ngoan ngồi đẹp” biết trả lời, biết đặt câu hỏi và trở nên ngoan ngoãn hơn ? Đó cũng là mục đích, nhưng không phải là mục đích của hôm nay , hay ngày mai mà có khi là mấy tháng sau ! Bởi can thiệp sớm chỉ đơn giản là làm sao có thể ngồi chơi được với bé ! Chỉ chơi thôi ! Có học ăn học nói, học gói học mở gì đi nữa cũng phải thông qua chơi – Hay chính trò chơi và đồ chơi sẽ là cánh cửa để mở ra những hướng tiếp cận cần thiết. Trò chơi vận động thô sẽ giúp cho bé di chuyển khéo léo, cân bằng và nhanh nhẹn. Trò chơi vận động tinh sẽ giúp cho bé biết cầm muỗng, cầm đũa , rồi cầm bút … Các trò chơi cũng giúp trẻ tập trung chú ý, điều hòa cảm giác và cả việc phát âm hay biết nói.
Ta hay nói “ dễ như chơi” nhưng thực ra để chơi được với trẻ thì không hề dễ ! Đó là trình độ của giáo viên. Một giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, có kỹ năng và nhất là có tâm, là một giáo viên biết cách chơi với trẻ, có thể “cưa đổ” bất cứ đứa trẻ nào qua trò chơi có mục đích của mình ! Giáo viên không biết đùa giỡn như trẻ con, thì nên đi dạy các học sinh cấp 2 hơn là dạy trẻ em, nhất là trẻ đặc biệt. Còn phụ huynh nếu không biết chơi đùa với con, thì đừng mơ đến chuyện can thiệp sớm hay muộn gì cho trẻ.
Các hoạt động can thiệp sớm, đặc biệt tại gia đình chính là việc ngồi chơi được với con, đừng vội đặt ra các tiêu chuẩn phải có kiến thức , trình độ hay năng lực mà chỉ cần một điều, hãy cùng chơi với con từng chút một với một sự kiên nhẫn và sự yêu thương. Cầm một mói đồ chơi trao cho con, lấy lại, dấu đi rồi lại chìa ra. Trao đổi với con một cái xe ô tô, dùng những ngón tay bò trên lưng con, lấy cái khăn trùm lên đầu chơi ú òa , đút cơm cho con nhưng lại nhấp nhấp ngoài bờ môi … Tất cả mọi hoạt động với con trong ngày đều có thể biến thành trò chơi một cách vui vẻ .
Trẻ con thích chơi đùa ? dĩ nhiên – Vì đó là niềm vui và sự vận động. Tuy nhiên, trẻ chơi chỉ là để vui hay để khám phá, thỏa mãn tính tò mò, muốn tạo sự chú ý. Còn phụ huynh chơi với con là để thu hút và phát triển sự tập trung, giúp trẻ khéo léo hơn trong vận động và nhất là tự tin hơn trong giao tiếp. Vai trò của phụ huynh là ở chỗ đó, trẻ có tiến bộ được ở các trung tâm hay không, là nhờ vào việc có những hoạt động qua chơi đùa với bố mẹ ở nhà một cách thường xuyên.
Đừng vội đặt ra các mục tiêu cần phải đạt đươc quá xa để có khi lại thất vọng, cũng đừng bao giờ so sánh sự tiến bộ hay chưa tiến bộ của con với đứa trẻ khác để lại nản chí. Cũng đừng mong đợi sự thay đổi hay tiến bộ từng ngày của con rồi nghĩ rằng mình không làm được. Hoạt động can thiệp sớm có thành công hay không, đứa trẻ có tiến bộ hay không ? không phải dựa vào các kỹ thuật của từng phương pháp chuyên biệt mà là dựa vào niềm vui của trẻ trao cho ta và ta tạo ra cho trẻ. Một bầu khí tích cực, vui vẻ, thoải mái trong sự chấp nhận, quan tâm và tôn trọng nhau chính là yêu cầu quan trọng nhất của một kế hoạch can thiệp sớm !
CVTL LÊ KHANH – Trung tâm GDĐB Diệp Quang.
🏫 Trung Tâm Tự kỷ Đak Lak
🏠Số 1 Trần Huy Liệu, P.Tân Thành (gần Bv tỉnh cũ)
📞0948 366 467 (Cô Thương)
 
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *